Thí sinh cần chú ý kỹ năng sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam, nhận xét và phân tích biểu đồ, bảng số liệu để làm tốt bài thi Địa lý, kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Sáng 10/8, thí sinh sẽ làm bài tổ hợp Khoa học xã hội, trong đó có Địa lý. Thầy Trần Văn Minh, giáo viên Địa lý trường THCS – THPT Đào Duy Anh (TP HCM) nhắc thí sinh một số điểm lưu ý khi ôn tập và làm bài môn này.
Do Covid-19 ảnh hưởng đến chương trình học kì II nên đề thi năm nay tập trung nhiều hơn vào kiến thức của học kì I. Nếu như đề thi năm ngoái có 7 câu thuộc kiến thức học kỳ I, năm nay đề minh hoạ tăng lên 11 câu.
Kiến thức học kỳ II năm nay giảm, chỉ chiếm 13 câu. Những câu hỏi thuộc nội dung chương trình học kỳ II lớp 12 ở mức độ vận dụng thấp. Nội dung phần kiến thức ngành kinh tế và vùng kinh tế thể hiện trong đề thi tham khảo 2020 nhẹ nhàng hơn.
Thứ nhất, thí sinh cần bám sát cấu trúc đề tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Phân tích đề này theo nội dung kiến thức, cấu trúc có 7 câu về địa lý tự nhiên; 8 câu địa lý ngành kinh tế; 3 câu địa lý dân cư; 6 câu địa lý vùng kinh tế; 12 câu hỏi liên quan khai thác Atlat; 4 câu kỹ năng biểu đồ, bảng số liệu, trong đó có 2 câu kiến thức lớp 11 về biểu đồ và bảng số liệu.
Tuy nhiên, đề tham khảo chỉ mang tính chất định hướng chủ đề ôn tập nên các em cần có sự linh hoạt, tránh tình trạng “học tủ”. Đề thi trắc nghiệm có khả năng bao quát chương trình hơn, kiến thức rộng hơn so với thi tự luận.
Thứ hai, thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản với các chuỗi kiến thức được sắp xếp theo chủ đề, bám sát chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11.
Chương trình Địa lý 12 gồm 4 chủ đề (tự nhiên, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế); chương trình Địa lý 11 gồm 2 chủ đề (khái quát nền kinh tế – xã hội thế giới, địa lí khu vực và quốc gia).
Thí sinh nên lập các biểu bảng tổng kết ngắn gọn hoặc vẽ sơ đồ tư duy để dễ ôn tập, nắm vững các nội dung cốt lõi cũng như các vấn đề cần giải quyết của mỗi chủ đề. Ở mỗi vấn đề quan trọng, thí sinh chỉ cần nắm “từ khóa” nói lên nội dung của vấn đề đó chứ không nên học thuộc lòng.
Thứ ba, luyện kỹ năng sử dụng Atlat Địa lý để ôn tập kiến thức. Mỗi trang bản đồ trong Atlat ứng với từng bài học, từng chủ đề trong sách giáo khoa nên các em cần thường xuyên trong quá trình ôn tập.
Để sử dụng Atlat hiệu quả, thí sinh cần xem kỹ trang 3 ký hiệu chung vì hầu hết các đối tượng địa lý biểu hiện trên các bản đồ đều được thể hiện ở đây.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần nắm được nội dung các trang bản đồ thông qua trang 31 mục lục. Thí sinh cần kết hợp kỹ năng tính toán, nhận xét, phân tích, giải thích các số liệu và biểu đồ có trong Atlat.
Thứ tư, rèn kỹ năng nhận xét, phân tích biểu đồ và bảng số liệu.
Câu hỏi trắc nghiệm về biểu đồ thường gặp đó là biểu đồ thể hiện nội dung nào, lựa chọn nhận xét “đúng” hoặc “không đúng” dựa vào biểu đồ đã cho.
Để không mất điểm ở những câu hỏi này, thí sinh phải nắm vững kiến thức về đặc tính thể hiện của từng loại biểu đồ: thể hiện cơ cấu (biểu đồ tròn, miền), tốc độ tăng trưởng biểu đồ đường biểu diễn hay đồ thị, thể hiện quy mô và cơ cấu (biểu đồ tròn bán kính khác nhau).
Các dạng câu hỏi về bảng số liệu thường gặp là lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp nhất với bảng số liệu, yêu cầu đã cho hoặc chọn nhận xét “đúng” hay “không đúng”.
Để giành điểm tối đa, ngoài nắm vững kiến thức để nhận diện loại biểu đồ như đã trình bày ở trên, thí sinh phải quan sát bảng số liệu cả hai chiều dọc và ngang trên cơ sở tính toán nếu cần thiết rồi đưa ra lựa chọn tốt nhất. Các bạn tuyệt đối không nên lựa chọn đáp án theo chủ quan, cảm tính.
Cuối cùng, để đạt kết quả tốt cho bài thi Địa lý, thí sinh cần biết phân bố thời gian, lựa chọn các câu hỏi để làm trước.
Khi làm bài các em nên làm tuần tự từ trên xuống dưới của đề thi, vì độ khó của nhóm các câu hỏi sẽ tăng dần. Việc hoàn thành các câu hỏi cơ bản sẽ khiến các em có tâm lý tự tin, hứng khởi hơn. Thí sinh cần tránh sa đà vào những câu khó ngay từ đầu sẽ khiến bản thân rơi vào trạng thái hoang mang, mất kiểm soát.
Thí sinh cần đọc kỹ câu dẫn và đáp án của các câu hỏi, gạch chân dưới các từ khoá. Trong 4 lựa chọn, chỉ có một phương án duy nhất đúng, còn lại là các phương án “nhiễu”, được xây dựng trên cơ sở có liên quan đến nội dung lời dẫn.
Đặc biệt, các bạn phải lưu ý những dạng câu hỏi mà lời dẫn ở thể phủ định như “không đúng”, “không phải”. Với dạng này, thí sinh cần nghiên cứu kỹ yêu cầu để tính toán, lập luận, phân tích, so sánh 4 lựa chọn để tìm ra phương án đúng.
Thí sinh cũng cần sử dụng kỹ năng phỏng đoán – loại trừ. Phỏng đoán chưa bao giờ là một cách hay, nhưng với những câu hỏi các em không chắc chắn về câu trả lời thì việc phỏng đoán một cách logic và khoa học là một trong những giải pháp tốt nhất.
Ngoài phân bố thời gian hợp lý cho bài thi, trong quá trình làm bài, thí sinh cần đánh dấu vào các câu hỏi chưa làm được để quay lại sau đó, tránh nhầm lẫn.
Trước ngày thi, thí sinh nhớ chuẩn bị Atlat Địa lý Việt Nam do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành từ năm 2009 đến nay (bên trong không được ghi chép bất cứ thông tin nào), máy tính cầm tay theo quy định, viết chì, tẩy.
Theo vnexpress.net
🔥Công ty Cổ phần Khám phá Giáo dục Thành công
Discovery Education Success JSC (DES Group)
🏠Địa chỉ: 72/169 Tây Sơn, phường Quang Trung, Q.Đống Đa, Hà Nội
☎Hotline: 090 215 2695; 024 35333803
📧Email: contact@desgroup.vn ; des.edu1@gmail.com
🖍Fanpage: fb.me/khamphagiaoducthanhcongDESgroup
🖍Zalo: DES Group (090 215 2695)