Ngày 28/8, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các đại học, học viện, trường ĐH, Sở GD&ĐT về điều chỉnh lịch triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thi tốt nghiệp đợt 2.
Lùi tối đa 7 ngày lịch tuyển sinh năm 2020
Bộ Giáo dục & Đào tạo (Bộ GD&ĐT) cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh thuộc diện F1, F2 của cả nước và thí sinh ở các địa phương phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đã không thể tham dự Kỳ thi đợt 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ tổ chức Kỳ thi đợt 2 từ ngày 02-04/9/2020.
Căn cứ tình hình thực tế và đảm bảo quyền lợi tối đa cho các thí sinh tham dự Kỳ thi của cả hai đợt, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 3313/BGDĐT-GDĐH ngà 28/8/2020 điều chỉnh lùi một số mốc thời gian trong Lịch triển khai công tác tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đã ban hành tại Công văn số 1778/BGDĐT-GDĐH ngày 22/5/2020.
Theo đó, thời gian lùi tối đa 07 ngày so với lịch đã công bố đối với đợt 1 xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể:
Bộ GD&ĐT sẽ xác định và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng các ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT lần 2.
Thời gian thí sinh bắt đầu được điều chỉnh nguyện vọng sẽ thực hiện sau khi các Sở xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ đợt 2, trong đó thời gian cho điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến là 7 ngày (từ ngày 19-25/9/2020 và điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu là 9 ngày (từ ngày 19-27/9/2020).
Để thống nhất công tác xét tuyển, lọc ảo trong toàn hệ thống, Bộ GDĐT quyết định điều chỉnh thời điểm tổ chức xét tuyển lọc ảo (như dự kiến ban đầu, thời điểm điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh thi đợt 1 sẽ lùi xuống 6 ngày) để kết hợp với điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh thi đợt 2.
Đảm bảo công bằng cho thí sinh
Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cho biết, việc lùi thời gian điều chỉnh nguyện vọng và xét tuyển thì quy trình tổ chức điều chỉnh nguyện vọng và tổ chức xét tuyển sẽ giữ nguyên như năm 2019, đảm bảo tính ổn định, khách quan và công bằng cho thí sinh toàn quốc, giảm áp lực cho các trường.
Theo Quy chế tuyển sinh, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng. Như vậy, việc tổ chức điều chỉnh nguyện vọng chung cho cả 2 đợt thi sẽ cho phép thí sinh đợt 2 được cùng tham gia điều chỉnh nguyện vọng cùng với thí sinh thi đợt 1.
Điều này rất quan trọng với các thí sinh chuẩn bị thi đợt 2, các em sẽ không có tâm lý bị “nằm ngoài” hệ thống, cùng được xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng một cách công bằng.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc tổ chức điều chỉnh nguyện vọng chung cho cả 2 đợt thi cũng sẽ khắc phục tình trạng do Quy chế đã quy định điểm trúng tuyển lần 2 không được thấp hơn lần 1. Nếu thí sinh lần 2 đã biết điểm, có thể tập trung điều chỉnh nguyện vọng để đăng ký vào ngành đó, gây áp lực lên trường về chỉ tiêu và có thể không đảm bảo sự công bằng với thí sinh thi đợt 1.
Giải pháp này cũng sẽ góp phần giữ ổn định toàn hệ thống, giúp các cơ sở đào tạo chủ động xác định được nguồn tuyển (số lượng nguyện vọng ĐKXT) để lựa chọn được phương án tuyển sinh phù hợp đảm bảo thực hiện được ngay toàn bộ chỉ tiêu tuyển sinh do nhà trường đã xác định và công bố công khai trong Đề án Tuyển sinh của trường.
Theo Bộ GD&ĐT, cả nước có 26.014 thí sinh của 27 tỉnh, thành chưa thi đợt 1. Trong đó, Đà Nẵng có 10.807 thí sinh, Quảng Nam có 9.103 thí sinh, Đắk Lắk có 5.396 thí sinh.
Theo Dantri