10 thư viện trường học đẹp nhất thế giới

Với thiết kế độc đáo, sáng tạo, nhiều thư viện được công nhận là di tích lịch sử và trở thành tòa nhà mang tính biểu tượng của trường.


Hãy cùng ngắm 10 thư viện trường học đẹp nhất thế giới dưới đây.

Thư viện Mỹ thuật Fisher nằm trong khuôn viên Đại học Pennsylvania, Mỹ. Thư viện được hoàn thành năm 1891, trở thành Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1985. Kiến trúc sư người Philadelphia, ông Frank Furness, đã thiết kế thư viện này theo phong cách Gothic cổ kính. Phía bên ngoài tòa nhà được bao quanh bằng gạch ngói đỏ, gợi nhớ về những nhà máy ở Philadelphia thời kỳ cũ. Ảnh: ISM Bags.
Được xây dựng năm 1488, thư viện Duke Humfrey lâu đời nhất trong hệ thống thư viện Bodleian tại Đại học Oxford, Anh. Thư viện được đặt tên theo Công tước xứ Gloucester, Humphrey. Ông là người am hiểu về văn học. Năm 1447, ông tặng bộ sưu tập 281 quyển sách cho Đại học Oxford. Nhờ kiến trúc đồ sộ, cổ kính, thư viện Duke Humfrey được chọn làm nơi ghi hình cho bộ phim đình đám Harry Potter. Ảnh: Lux Review.
Suzzallo là thư viện trung tâm của Đại học Washington, Mỹ, được đặt tên theo Henry Suzzallo, cựu chủ tịch Đại học Washington. Theo Architectural Digest, thư viện Suzzallo được kiến trúc sư Carl F. Gould Sr. và Charles H. Bebb thiết kế theo phong cách Gothic cổ kính. Các bức tường bên trong được trang trí bằng đá đúc tinh tế, giá sách làm bằng gỗ sồi. Ảnh: The Guardian.
Được hoàn thành năm 1878, thư viện Peabody là sản phẩm của kiến trúc sư Baltimore Edmund G. Lind, phối hợp Nathaniel H. Morison, Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Johns Hopkins, Mỹ. Thư viện được thiết kế theo lối kiến trúc cổ điển, gồm 5 tầng, ban công và các bức tường đá được chạm khắc tỉ mỉ, giống lâu đài cổ kính giữa thành phố hiện đại. Nơi đây có hơn 300.000 đầu sách về các lĩnh vực tôn giáo, nghệ thuật, kiến ​​trúc, lịch sử, văn học, khoa học, du lịch. Ảnh: 20 Minuten.
Joe và Rika Mansueto là thư viện mới nhất của Đại học Chicago, Mỹ. Nó là sản phẩm của kiến trúc sư Helmut Jahn, được đặt tên theo hai cựu sinh viên thành đạt của trường, Joe Mansueto và Rika Mansueto. Kể từ khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2011, thư viện Joe và Rika Mansueto nhận được nhiều giải thưởng lớn nhờ thiết kế mái vòm độc đáo, hiện đại. Ảnh: ArchDaily.
Thư viện Uris là tòa nhà cổ kính nhất tại Đại học Cornell, Mỹ. Theo Architectural Digest, thư viện Uris là sản phẩm của sinh viên ngành kiến trúc đầu tiên của trường, ông William Henry Miller. Thư viện có sức chứa lên đến 30.000 đầu sách, gồm sách in và sách điện tử. Ảnh: Cornell University.
Tọa lạc tại Đại học California, Mỹ, thư viện Clark là nơi lưu trữ những cuốn sách và bản thảo quý hiếm về báo chí, văn học và lịch sử Anh. Thư viện được đặt tên theo nhà từ thiện William Andrew Clark Jr. Ông là người thu thập và đóng góp những đầu sách hiếm cho thư viện. Ảnh: Architectural Resources Group.
Thành lập năm 1328, Sorbonne là thư viện liên trường ở Paris, Pháp. Cụ thể, đây là thư viện chung của Đại học Panthéon-Sorbonne, Đại học Sorbonne-Nouvelle, Đại học Sorbonne, Đại học Paris Descartes và Đại học Paris Diderot. Hiện nay, thư viện được Đại học Panthéon-Sorbonne quản lý, dựa theo thỏa thuận được các trường thống nhất vào năm 2000. Ảnh: Sociotramas.
Nằm trong khuôn viên của Đại học Trinity, Cambridge, Anh, thư viện Wren là nơi lưu trữ hơn 1.000 bản thảo thời trung cổ và các tác phẩm văn học Anh thế kỷ 18. Thư viện được xây dựng trong khuôn viên rộng rãi, có nhiều cửa sổ lớn, cung cấp đủ ánh sáng cho người đọc. Những bức tượng đá cẩm thạch đặt cạnh mỗi giá sách là tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Louis-François Roubiliac. Ảnh: Forbidden Histories.
Thư viện bản thảo và sách hiếm Beinecke là nơi lưu trữ những ấn phẩm của Đại học Yale, Mỹ. Đây là tác phẩm của kiến trúc sư người Mỹ Gordon Bunshaft. Nhằm giữ cho những cuốn sách không bị hư hại, ông đã sử dụng đá cẩm thạch, giảm thiểu ánh sáng bên trong thư viện. Nơi đây được mệnh danh là một trong những tòa nhà lớn nhất thế giới dành riêng cho những cuốn sách và bản thảo quý hiếm. Ảnh: Fisher Marantz Stone.

Theo zingnews.vn