Chúng ta cần giáo trình tiếng Anh giải quyết tận gốc ba vấn đề, tích hợp những gì cần cho quá trình tự học mà không lệ thuộc vào người dạy hay môi trường.
Anh Phan Thế Dũng, 38 tuổi, tốt nghiệp Học viện Ngoại giao năm 2004, từng giảng dạy ngôn ngữ Anh tại một số quốc gia Đông và Tây Phi trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ phát triển giữa Quỹ Dominial Capital và địa phương. Hiện anh Dũng là chủ nhiệm chương trình khơi nguồn cảm hứng học tiếng Anh cho cộng đồng với hàng nghìn lượt lớp học miễn phí (online lẫn offline).
Trong bài viết Ba vấn đề người Việt gặp phải khi học tiếng Anh, anh Dũng đã chỉ ra ba vấn đề của người Việt trong học tiếng Anh là lối tư duy cảm tính, khác biệt về cơ địa với người bản xứ và thói quen sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Bài viết này tác giả đề cập đến giải pháp, trước hết cần một giáo trình có khả năng giải quyết tận gốc ba vấn đề.
Dù nghe nói hay đọc viết chúng ta cũng cần đến kiến thức về ngữ pháp để tạo ra hay nhận biết một câu tiếng Anh. Ngữ pháp bao gồm cú pháp và từ pháp. Trong khi từ pháp là kiến thức rời rạc tiểu tiết về các dạng thức biến đổi của từ cho phù hợp để sử dụng cũng như quan hệ tương thích với các từ khác trong cụm hay câu, ví dụ khi nào “be” trở thành “is” hay “were”, “many, much” dùng cho danh từ nào, thì cú pháp cung cấp tư duy tổng quát có tính hệ thống và logic về câu.
Nắm vững kiến thức cú pháp thì nhìn một câu bất kỳ có thể nhận diện được ngay nó thuộc dạng câu nào (để biết câu có bao nhiêu thông điệp, thông điệp chính nằm ở đâu), biết được mỗi câu đơn (mệnh đề) trong đó thuộc loại hình gì, từng thành phần ra sao, trật tự cũng như mối quan hệ qua lại giữa chúng. Kiến thức cú pháp cũng bao gồm cụm trong tiếng Anh (thành phần, trật tự, mối quan hệ qua lại về mặt ngữ nghĩa giữa các thành phần với nhau).
Từ đây người học sẽ vỡ ra nhiều điều về đặc trưng ngôn ngữ Anh khác hẳn ngôn ngữ Việt. Ví dụ họ dùng cụm để xây dựng câu chứ không dùng từ. Ở chiều ngược lại, kiến thức về cụm cũng chính là thứ để giúp dễ dàng nhìn ra các thành phần trong một câu, bởi mỗi thành phần như vậy luôn tương ứng với một cụm, rất hiếm khi là từ, nếu có thì tự nó cũng là cụm ở dạng thức đơn giản nhất.
Một câu tiếng Anh với nhiều từ mới và dài dòng cũng giống như tác phẩm hội họa phức tạp. Hãy thử hình dung bạn đứng trước bức tranh của Picasso mà không chút mảy may kiến thức gì về trường phái lập thể, không có hình dung nào về bố cục, hình khối. Thiếu vắng kiến thức về cú pháp, chỉ chăm chăm vào từ pháp chẳng khác gì xây nhà mà không hình dung về loại nhà định xây cũng như bản vẽ thiết kế của nó, chỉ có gạch, ngói, cát vữa trong tay.
Tất nhiên các bạn sẽ đặt vấn đề còn từ vựng nữa chứ. Xin thưa một khi đã nắm vững kiến thức cú pháp rồi bạn sẽ luôn hình dung ra ngữ nghĩa của một từ mới trong văn cảnh của nó trước khi tìm đến cuốn từ điển nhờ các mối quan hệ mang tính hệ thống và logic trong câu. Và học từ theo văn cảnh cũng chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa suy nghĩ bằng tiếng Anh, tạo ra phản xạ dùng từ chính xác mau lẹ khi cần, điều mà bất kỳ người học nào cũng mơ ước.
Tiếp theo, chúng ta cần thêm kiến thức để giao tiếp qua con đường âm thanh, nói và nghe. Nói đúng, nói chuẩn thì nghe sẽ tự khắc dễ dàng. Nói có vẻ hay thì chưa rõ là có chuẩn hay không, nhưng nói đúng thì đương nhiên là hay, bởi nó gắn liền với những công thức, quy định mang tính tiêu chuẩn. Vậy chúng ta hãy cùng nhau hướng đến việc nói sao cho đúng.
Ở cấp độ đầu tiên, chúng ta cần nói cho đúng một từ đơn lẻ, gồm có phát âm và tông giọng, hai thứ được coi là nền tảng, là gốc của nói và nghe tiếng Anh.
Về tông giọng, tên gọi khác của độ cao thấp (pitch), kỳ lạ là số đông người Việt không được dạy, không được nghe nói tới trong khi nó là nền tảng căn bản nhất cho ngữ điệu trong nói tiếng Anh. Phần lớn cứ nghĩ tông giọng – ngữ điệu là để nói cho hay, cho giống Tây. Nhưng thực ra nó là tín hiệu truyền thông tin nội dung, tức là đúng hay sai, cũng là hiệu quả giao tiếp khi nghe nói.
Thanh điệu bằng trắc quan trọng thế nào trong nói tiếng Việt thì tông giọng đóng vai trò tương tự trong nói tiếng Anh. Thay cho 6 thanh điệu của tiếng Việt, người bản xứ có 3 tông giọng, gồm cao (1), bình thường (2) và thấp (3). Hãy hình dung một bài hát chỉ có lời mà không có nốt nhạc thế nào thì nói tiếng Anh không tông giọng cũng như vậy.
Từng tông 1, 2, 3 dùng ở đâu trong câu nói, truyền tải điều gì, cách thực hiện ra làm sao, đều mang tính công thức mà bất kỳ người học nào cũng có thể học được dễ dàng. Và đã là công thức thì đương nhiên người học có thể học để tự áp dụng vào mọi câu mình nói ra, không phải hỏi ai hay nghe theo ai.
Đặt tông giọng sai chỗ, hay thực hiện sai về độ cao quy định, người bản địa nghe chúng ta nói sẽ bị phân tâm rối trí. Ngược lại nghe người bản địa nói các bạn sẽ mệt mỏi vì cứ theo thói quen căng tai nghe cho bằng được hết từ mới thôi.
Về phát âm, điều tệ nhất của việc dạy và học phát âm là người dạy nói trước người học nhại theo sau, hoặc dù có kèm giải thích thì cũng là những sự giải thích mông lung khiến người học không tài nào hình dung nổi, bởi âm thanh vốn dĩ là thứ vô hình, mơ hồ và đầy cảm tính. Biện pháp khắc phục ở đây chính là cần dạy và học phát âm theo khẩu hình, động tác, là những thứ hữu hình, được công thức hóa, lượng hóa và có thể kiểm chứng đúng sai.
Về nguyên âm, /u:/, /i:/ là nhóm âm cử động môi, môi chúm môi bẹt. /a:(r)/, /ɔ:(r)/; /ε:(r)/ là nhóm âm cử động hàm; /u/, /i/, /Λ/, /ɒ/, /∂/, /e/ thuộc nhóm âm đơ mặt cứng bụng mà đẩy hơi lên, bất kỳ cử động mấp máy nào của môi hay hàm là sai. Còn nguyên âm đôi thì cứ quy tắc âm đầu choán trọn mà ghép nối với nhau.
Về phụ âm, chỉ cần rạch ròi vị trí, đặc điểm, tính chất từng âm là đủ. 24 phụ âm tiếng Anh; 7 vị trí (môi, môi – răng, răng – lưỡi, lưỡi – lợi, lưỡi – ngạc cứng, lưỡi -ngạc mềm, cổ họng); 6 nhóm đặc điểm (tắc, xát, tắc – xát, mũi, nước, trượt); 2 tính chất (hữu thanh – vô thanh).
Cuối cùng là việc nói đúng một câu hoàn chỉnh liền mạch (connected speech) để rồi có thể nghe người bản địa nói một cách dễ dàng. Ngoài tông giọng, chúng ta cần được dạy và học một cách bài bản về nói câu bao gồm: Xử lý phụ âm cuối (ending consonant), ý (thought group) và các điểm ngừng (pause, hesitation), trọng từ (rocus), độ mạnh yếu của giọng (stress), dạng nói lướt (reduction), nhịp điệu (rhythm), đường cong (curve), tương phản (contrast), ngữ điệu (intonation) hay các dạng thức lên, xuống giọng (rising and falling patterns).
Học để thay vì mò mẫm không phương hướng mỗi người cứ thế lắp công thức vào câu mình định nói. Học để ngay người dạy cũng buộc phải đối diện với áp lực chuẩn hóa bản thân, bởi một khi tất cả đã được công thức hóa, minh định rõ ràng không ai còn có thể biến báo theo cảm tính.
Dĩ nhiên đây là phương pháp chuẩn hóa đề ra cho độ tuổi đã có kiến thức nhất định về ngôn ngữ mẹ đẻ để có thể học một ngôn ngữ khác bài bản, có thể bắt đầu từ cấp THCS (tương tự việc phân độ tuổi học các mức độ tiếng Việt tương ứng). Trẻ em tiểu học và thấp hơn cần được học bằng phương pháp vô thức, tương tự trẻ em Việt trước sáu tuổi học tiếng Việt trong gia đình. Trẻ em có thể không học được, nhưng nếu thầy cô giáo, bố mẹ, anh chị trong gia đình được chuẩn hóa, tự khắc trẻ cũng sẽ được chuẩn hóa.
Phan Dũng (Theo vnexpress.net)